Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Tứ Niệm Xứ

Tứ Niệm Xứ gồm có:

1- Quán thân trên thân.

2- Quán thọ trên thọ.

3- Quán tâm trên tâm.

4- Quán pháp trên pháp, là bốn nơi dùng để quán xét,

1- THÂN là phần cơ thể đầu, mình, hai tay và hai chân.

2- THỌ là các cảm thọ của thân và tâm.

3- TÂM là phần sáu thức tiếp xúc sáu trần.

4- PHÁP là thân, thọ, tâm và sáu trần đang có xung quanh chúng ta. Trong bốn nơi này chỉ cần quán xét một nơi là quán xét tất cả bốn nơi, cho nên, mới gọi là Tứ Niệm Xứ.

Phải tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần rồi mới tu tập đến pháp môn Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ theo Bát Chánh Đạo là Chánh Niệm, là trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, tâm luôn luôn tỉnh giác trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp.

Cho nên Tứ Niệm Xứ gọi là trên thân quán thân. Tuy nói rằng trên thân quán thân nhưng sự thật là trên thân quán cả bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Tuy nói bốn pháp chớ khi tu tập chỉ có tu tập một pháp trên thân quán thân mà thôi.

Tứ Niệm Xứ có ba giai đoạn tu tập: Tu tập Tứ Chánh Cần trên Tứ Niệm Xứ, là giai đoạn đầu. Tu tập Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ, là giai đoạn thứ hai. Tu tập Thân Hành Niệm trên Tứ Niệm Xứ, là giai đoạn thứ ba.

Tứ Niệm Xứ là pháp môn tu tập để tâm ly dục ly ác pháp và đạt được trạng thái “Định tỉnh”.Khi tu tập ba giai đoạn này xong thì mới sung mãn Tứ Niệm Xứ, tâm đạt được định tỉnh. Khi đạt được định tỉnh thì tâm chúng ta có những kết quả mà đức Phật đã xác định rất rõ ràng: “Với tâm định tỉnh”, thì phải thuần tịnh, tâm không còn cấu nhiễm, không còn phiền não, lúc nào cũng nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc và bình thản.

Ở đây cần lưu ý: phải tu tập Tứ Niệm Xứ cho được viên mãn thì tâm chúng ta mới đạt được những kết quả như Phật đã dạy trên. Khi sung mãn Tứ Niệm Xứ thì có bảy năng lực Giác Chi xuất hiện. Bảy năng lực Giác Chi xuất hiện tức là “tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản”.

Trạng thái định tỉnh là một bí pháp để khởi đầu nhập các định và thực hiện Tam Minh. Nên nhớ Tâm định tỉnh này do ly dục ly ác pháp, chứ không phải do ngồi ức chế tâm cho hết vọng tưởng như Đại Thừa, Thiền Đông Độ và Thiền Minh Sát Tuệ, v.

... Khi quán thân là đã có quán tâm, quán thọ và quán pháp. Khi ngồi tu Tứ Niệm Xứ là không tu gì cả, chỉ ngồi chơi như người vô sự. Đã vô sự thì ý thức quán thân nó. Quán thân không có nghĩa là ý thức đang tư duy suy nghĩ.

Quán ở đây có nghĩa là ý thức tỉnh giác cảm nhận toàn thân tức là ý thức đang quan sát thân, cho nên thân có chướng ngại gì thì ý thức liền biết; tâm có chướng ngại gì thì ý thức liền biết; thọ có chướng ngại gì thì ý thức liền biết; pháp có chướng ngại gì thì ý thức liền biết.

Nhờ biết mà ý thức dùng pháp như lý tác ý đuổi đi các chướng ngại ra khỏi bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Khi các chướng ngại ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp thì ý thức lúc biết thân, lúc biết thọ, lúc biết tâm, lúc biết pháp.

Khi ý thức đang quán như vậy thì đừng tác ý khởi niệm, nếu khởi niệm là tâm phóng dật. Chỉ khi nào trên thân, thọ, tâm và pháp có chướng ngại pháp thì mới tác ý xả, còn không chướng ngại thì không tác ý.

Đừng hiểu lầm quán Tứ Niệm Xứ là xả từng niệm trong tâm. Hãy lưu ý cách thức QUÁN TỨ NIỆM XỨ, nếu không lưu ý sẽ quán sai thành ra quán ức chế tâm, chứ không phải quán Tứ Niệm Xứ. Khi tu tập Tứ Chánh Cần thuần thục thì không còn ác pháp tới lui nữa, lúc đó cảm nhận được tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

Nếu trạng thái tâm bất động này kéo dài ra thì cảm nhận như tâm đang quán sát bốn chỗ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP theo nhịp hơi thở ra vô rõ ràng một cách cụ thể. Cảm nhận được tâm quán sát bốn chỗ này nên càng quán sát tâm thì tâm càng lúc càng Bất Động.

Cứ để tự nhiên cho tâm thường xuyên quán sát bốn chỗ này. Nhờ thường xuyên quán sát bốn chỗ này trên thân, nên tâm ở trong trạng thái Bất Động dễ dàng hơn. Tâm càng ở trạng thái bất động thì tâm càng thanh tịnh và kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đó là Niệm Giác Chi.

Khi Niệm Giác Chi xuất hiện xong thì Định Giác Chi xuất hiện. Khi Định Giác Chi xuất hiện xong thì kế tiếp cảm nhận một trạng thái khinh an là Khinh An Giác Chi. Khi Khinh An Giác Chi xuất hiện xong thì Hỷ Giác Chi xuất hiện.

Khi Hỷ Giác Chi xuất hiện xong thì Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện. Khi Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện xong thì Xả Giác Chi xuất hiện. Khi Xả Giác Chi xuất hiện xong thì Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện. Khi Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện xong thì Tứ Thần Túc xuất hiện như những dụng cụ để nhập các loại thiền định.

Đến đây là đã hoàn tất pháp môn Tứ Niệm Xứ, tâm VÔ LẬU hoàn toàn, chứng đạt tâm bất động, chứng đạt quả A La Hán. Tứ Niệm Xứ là phương pháp tu tập ở lớp thứ bảy tức là lớp Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo, một pháp môn độc nhất tu tập có đủ năng lực để làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người, đó là sanh, già, bệnh, chết, một pháp môn để con người làm chủ nhân quả tức là làm chủ mọi sự hoạt động của chúng ta hằng ngày.

Ngoài pháp môn Tứ Niệm Xứ thì không có pháp nào tu chứng đạo giải thoát được. Trước khi nhập diệt Ngài đã di chúc: “Sau khi Ta nhập diệt các vị tỳ kheo hãy lấy Giới luật và Giáo pháp của Ta mà làm THẦY”.

Giáo pháp mà đức Phật đã di chúc ở đây là pháp môn “Tứ Niệm Xứ”. Tứ Niệm Xứ là lớp tu chứng đạo của Phật giáo. Tứ Niệm Xứ là pháp môn nhiếp tâm bất động, là pháp môn tu tập để chứng đạo, dành cho những bậc giới luật nghiêm túc, dành cho những người đã tu tập xong Ngũ căn, Ngũ lực và Tứ Chánh Cần, dành cho những bậc giới luật nghiêm túc, dành cho những bậc tâm đã bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Tứ Niệm Xứ là pháp môn tu tập để khắc phục mọi ưu phiền trên thân, thọ, tâm, pháp, là pháp môn xả mọi chướng ngại trên thân tâm, cho nên nó mới được gọi là nhiếp phục tham ưu, không phải là pháp môn điều tâm mà là một pháp môn để hộ trì chân lí.

Kinh dạy: “Này các Tỳ Kheo để đoạn tận năm pháp này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”. Đức Phật dạy muốn giữ gìn năm giới (Sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói láo, uống rượu) của người Sa Di nghiêm chỉnh từ thân, miệng, ý của mình thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ, mới thấy pháp môn Tứ Niệm Xứ rất quan trọng cho việc giữ gìn giới luật.

Từ lâu người ta nghĩ rằng, chỉ học giới rồi giữ giới, chứ đâu ngờ muốn giữ giới luật nghiêm chỉnh thì phải tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ. Năm giới này muốn được giữ gìn trọn vẹn nghiêm chỉnh không hề vi phạm thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ trong giai đoạn đầu tức là tu tập Tứ Chánh Cần, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Gợi ý